Chiết cành là cách dùng một đoạn cành của
cây mẹ tạo thành một cây con mới mang đặc tính giống như cây mẹ. Đây
cũng là cách nhân giống vô tính mà người ta vẫn áp dụng với nhiều loại cây ăn
trái để có cây con mang những đặc tính tốt của cây mẹ mà trồng.
Cách
chiết cành cũng dễ thành công, nhưng khi cần số ít cây con người ta mới áp dụng
cách nhân giống này.
Cành
chọn để chiết phải là cành mập mạnh, không non quá mà cũng không già quá. Tại
nơi định chiết, ta dùng cây dao nhỏ thật bén để cắt một khoanh vỏ có chiều dài
độ ba bốn phân, rồi bóc khoanh vỏ đó bỏ đi. Kỹ thuật cắt khoanh vỏ là phải cắt
cho thật ngọt sao cho khi bóc thì phần vỏ lụa tiếp giáp với lõi gỗ bên trong
cũng rời theo luôn, đồng thời vết cắt không phạm vào phần gỗ của thân mới được.
Việc
kế tiếp là dùng hỗn hợp đất với phân chuồng hoai mục nhào với chút nước cho dẻo,
để áp sát quanh vết cắt thành một cái bầu đất nho nhỏ bằng cái trứng vịt là được.
Bên ngoài bầu đất ta nên dùng miếng vải dày, hoặc mảnh bao bố bó lại rồi cột
dây cho thật chặt là được.
Từ
đó, mỗi ngày nên tưới nước cho bầu thật ẩm
để vết chiết mau ra rễ. Chi khi nào thấy rễ con bắn ra ngoài bầu chi chít thì
lúc đó mới ngưng tưới và cắt nhánh chiết đó ra khỏi thân cây hoa giấy mẹ để trồng
vào chậu hay trồng xuống đất.
Để khỏi
mất công tưới hàng ngày, việc chiết cành hoa giấy thường được thực hiện vào cuối
mùa mưa. Do bản tính của hoa giấy là
thích hợp với khô ráo nên việc chiết cành trong mùa mưa thường gặp nhiều thất bại.
Tuy vậy, nếu chiết cành trong mùa mưa khô hạn cây cũng mau chết, do đó cũng phải
tưới cầm chừng để giữ ẩm cần thiết...
Khi
đã có cây con thì phải nghĩ đến việc trồng cố định vào một nơi nào đó. Dù trồng
xuống đất hay trồng vào chậu kiểng, trong thời gian đầu ta phải cố giữ cho thân cây được đứng vững, bằng cách dùng đất cục hay gạch đá chèn chung quanh gốc, hoặc
là dùng que tre chống đỡ cũng được.
Cây mới
trồng dù đã có chồi non lú ra, nhưng dù sao cũng còn yếu, chưa đủ sức chịu nắng
gió bên ngoài. Vì vậy, thời gian đầu ta nên đẩy cây con vào nơi râm mát (hoặc
che nắng). Tuần đầu nên cho cây tập tiếp xúc 20% nắng nhẹ trong ngày. Từ tuần kế
tiếp trở đi, ta cho cây “dầm” nắng lên 30% rồi 50%...
Nếu
trồng cây vô chậu thì thời điểm tốt nhất là từ tháng 11 đến đầu tháng 2 Âm lịch năm sau.
Mỗi
khi dời chậu từ nơi này sang nơi khác, dù với khoảng cách không xa lắm, ta cũng
nên cẩn thận, nhất là khi cây con chưa có bộ rễ phát triển đầy đủ. Việc tránh
cây bị lắc qua lắc lại là việc cần làm.